Ngày 29 tháng 6 năm 2025, trước thềm ngày 1/7 – thời điểm chính thức áp dụng mô hình mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc tại phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Tại đây, ông Tô Lâm đã khẳng định: “Tâm trạng chung của nhân dân là rất hào hứng”, tuy nhiên, trên thực tế, trái với tuyên bố ấy, trong xã hội lại là sự hoài nghi và lo lắng.
Nhưng mô hình “hai cấp” của ông Tô Lâm là một quyết định vội vàng và mang nặng tính hình thức, cũng như thiếu đánh giá và thử nghiệm đã khiến đa số người dân phải lo lắng.
Như ở Thành phố Hồ Chí Minh, tên gọi các đơn vị hành chính cấp Quận đã thay đổi đáng ngạc nhiên, Quận 1 – một cái tên nổi tiếng đã trở thành “phường Sài Gòn”. Các trụ sở cơ quan nhà nước được gấp rút thay bảng mới, nhưng vẫn chỉ là bình mới rượu cũ.
Những việc làm mang tính hình thức ấy có đồng nghĩa với việc hiệu quả hay không?
Ngay trong nội bộ Đảng, nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ cấp huyện là đi ngược lại quy luật quản trị, điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống lớn trong việc điều hành và sẽ dẫn đến rối loạn.
Tuy nhiên, báo chí nhà nước không được phép phản biện, các cơ quan chuyên môn và giới chuyên gia không được quyền lên tiếng theo đúng “quy trình”.
Đáng chú ý, ngày 30 tháng 6 năm 2025 trên trang facebook của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, có một status với tiêu đề “Chốt chặn cuối cùng – Niềm hy vọng cuối cùng”đã thu hút sự chú ý của công luận.
Dòng chú thích được viết kèm theo một bức ảnh gây chú ý, đó là hình ảnh của Bí thư Nguyễn Văn Nên trong trang phục thủ môn, bay người bắt bóng.
Theo giới quan sát, chưa bao giờ, hình ảnh “thủ môn” được ông Lê Kiên Thành đưa lên lại mang tính thời sự và chính trị như thời điểm hiện nay. Tấm hình có phần nhẹ nhàng ấy, như khi đặt trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, lại là một ẩn dụ sâu sắc và hết sức bi ai.
Vậy, ai sẽ là người giữ trọng trách làm chốt chặn cuối cùng cho những chính sách được cho là sai lầm của Tổng Bí thư Tô Lâm, mà khả năng rất cao có thể kéo theo một chuỗi đổ vỡ toàn diện về mặt thể chế?
Trong bối cảnh “trận cầu quyền lực”, hình ảnh ông Nguyễn Văn Nên – một Ủy viên Bộ Chính trị, trong tư thế thủ môn lại trở thành biểu tượng của những người từng ở trong hệ thống của Đảng, họ hiểu rõ điều gì là phù hợp và điều gì là nguy cơ.
Một người như ông Nên, vốn được biết đến là người biết lắng nghe và chia sẻ với nhân dân, nhưng khi thủ môn Nên là người sẽ rút lui, là một sự tiếc nuối cho nhiều người.
Và khi “chốt chặn” cuối cùng Nguyễn Văn Nên đã rời sân, thì ai sẽ là người phản biện những quyết sách có nguy cơ trở thành “quả phạt đền” chính trị?
Câu ngạn ngữ “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” và hình ảnh của Bí thư Nguyễn Văn Nên còn là một lời cảnh báo mang tính biểu tượng. Nếu không có người đủ bản lĩnh và tỉnh táo để điều chỉnh các chính sách sai lầm, thì chính hệ thống sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Theo giới chuyên gia, cải cách hệ thống nếu chỉ nhằm phục vụ các toan tính chính trị hơn là cải cách triệt để, thì không khác gì việc “sơn tường cũ bằng lớp vôi mới”. Bề ngoài thì sạch sẽ, gọn gàng, nhưng bên trong là hệ thống rạn nứt, và có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ.
Công luận đã đặt câu hỏi: Phải chăng mô hình này là một cái chết đã được báo trước?
Khi một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối nhưng thiếu sự lắng nghe, thì cải cách rất dễ biến thành thứ sáng kiến “chết yểu”. Đó là lý do vì sao những hình ảnh tưởng chừng đơn giản như cú bay người của ông Nguyễn Văn Nên lại được công luận coi trọng và như một biểu tượng cho sự tỉnh táo, cho trách nhiệm và cho tinh thần biết “lùi lại để bảo vệ hệ thống”.
Hãy để cho công cuộc cải cách phải thực sự vì dân, chứ không vì di sản chính trị của riêng cá nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nếu không, khi bóng bay vào lưới, thì chắc chắn sẽ không còn ai để cứu vãn.
Thu Phương – Thoibao.de