LÀM VIỆC THIỆN BẰNG TIỀN HỐI LỘ – NGHE SAO CHUA CHÁT QUÁ.

Vụ án của bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng trong bộ máy công quyền. Nhưng điều khiến dư luận “nóng” hơn cả không đơn thuần là con số hàng chục tỷ đồng nhận hối lộ, mà là phát ngôn gây chấn động của bà tại tòa: “Tôi dùng tiền đó để làm từ thiện, giúp người nghèo, hỗ trợ người bệnh…”

Trong mọi hệ thống pháp luật ở bất kỳ quốc gia nào, hành vi nhận hối lộ là tội danh nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến sự trong sạch của chính quyền, gây mất niềm tin của nhân dân. Việc người phạm tội khai báo rằng đã dùng một phần tiền phi pháp để làm từ thiện không làm giảm tính nguy hiểm của hành vi. Luật pháp không chấp nhận việc “rửa sạch” nguồn tiền phạm pháp bằng mục đích nhân đạo. Không thể có sự nhân nhượng cho tội phạm tham nhũng

Nếu cho rằng “làm việc thiện bằng tiền hối lộ” là một yếu tố để xin giảm nhẹ tội trạng, thì sẽ hình thành một tiền lệ nguy hiểm: kẻ phạm tội có thể biện hộ hoặc làm dịu trách nhiệm hình sự bằng các hoạt động bề ngoài có vẻ “nhân văn”. Lòng tốt không thể xây trên sự dối trá. Câu nói “đói cho sạch, rách cho thơm” từ lâu đã khắc họa chuẩn mực đạo đức của người Việt. Cái nghèo không thể là lý do biện minh cho hành vi sai trái.

Dùng “tiền dơ” để làm từ thiện không khiến hành động đó trở nên trong sạch hơn, ngược lại, nó tạo ra sự mỉa mai và châm biếm: người nghèo phải hoài nghi về nguồn gốc của món quà họ được nhận? Bà Lan viện dẫn “làm việc thiện” như một cách xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng điều này chỉ càng cho thấy sự thiếu chân thành trong việc đối diện với hậu quả pháp lý và đạo đức.

Vụ việc khiến người dân càng lo ngại rằng các hoạt động từ thiện hiện nay có thể bị thao túng, lợi dụng để che đậy sai phạm. Nó đặt ra nhu cầu cấp thiết cho sự minh bạch trong từ thiện và một hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng lòng tốt không bị lợi dụng bởi những kẻ mượn danh nghĩa. Niềm tin xã hội, đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Ông bà ta đã dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”. Người nghèo luôn cần sự giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng tiền trong sạch, một đồng cũng quý. Chứ tiền hối lộ, tiền dơ thì thôi, xin cám ơn, bà nhé!”. Đúng là chuyện hài chỉ có thể xảy ra dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thanh Nam