Ông Nguyễn Tấn Dũng từng là “bại tướng” dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, nhìn lại con của ông Dũng và ông Trọng giờ khác rất xa. Nguyễn Trọng Trường-48 tuổi là con trai cả của ông cố Tổng bí thư giờ đây mất hút không tăm hơi. Thông tin ngoài luồng cho biết, anh không tham gia vào bộ máy nhà nước. Có lẽ vì ông Trọng sợ sự dã man của giới làm chính trị nên cho con tránh xa? Ông Nguyễn Phú Trọng là một cao thủ trên chính trường, ông hiểu hơn ai hết các thủ đoạn thâm độc của các đồng chí nhắm vào nhau.
Ngược lại, con của ông Nguyễn Tấn Dũng thì lại khác. Nguyễn Thanh Nghị-49 tuổi đang chờ ngày vào Bộ Chính trị và ghế Bí thư thành ủy một vùng kinh tế lớn đang chờ. Nghị vào Bộ Chính trị trong lúc các phe phái miền nam khác đang suy tàn. Điều này hứa hẹn, ông Nghị sẽ trở thành trung tâm quyền lực để các phe phái khác ở Miền Nam ngỏ lời nhờ giúp đỡ. Sau khi vào Bộ Chính trị, không có người Miền Nam nào có tiếng nói ảnh hưởng đến Trung ương Đảng mạnh như Nguyễn Thanh Nghị.
Để có được thành quả vượt trội so với các đồng liêu về hưu cùng lứa, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi tiên phong trong rất nhiều việc. Đáng nói là những dự tính đầu tư chính trị cho tương lai.
Ông Nguyễn Tấn Dũng là người tiên phong phá rào đưa con cái đi du học Âu Mỹ. Nguyễn Thanh Nghị du học Mỹ, Nguyễn Thanh Phượng du học Thụy Sỹ và Nguyễn Minh Triết du học Anh. Dù kiến thức ấy không dùng trong chính trị, nhưng nó lại làm nên thương hiệu cá nhân rất mạnh cho những người con của ông. Cả Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Minh Triết đều Tiếng Anh lưu loát, một thứ vốn liếng mà rất ít quan chức Cộng Sản có được.
Ngoài việc đầu tư cho con cái du học, ông Nguyễn Tấn Dũng còn đầu tư cho mối quan hệ tương lai. Có cả đàn em công khai và đàn em “ẩn thân”. Khi ông Dũng gây chiến với Tổng Trọng, những đàn em công khai đều dính những trận đòn nặng nề. Trong đó có thể kể ra như Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà và Hoàng Trung Hải vv… tuy nhiên, nhóm đàn em “ẩn thân” mới là nhân tố giúp gia đình Nguyễn Tấn Dũng hồi sinh ngoạn mục hậu Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Minh Chính, đàn em của Nguyễn Tấn Dũng nhưng lại nấp an toàn trong Ban bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng nhiệm kỳ 2016-2021. Chỉ khi ông Chính bất ngờ nhảy từ Ban bí thư sang Chính phủ chiếm mất ghế Thủ tướng trước mũi Vương Đình Huệ thì khi đó người ta mới biết, ông Phạm Minh Chính là đàn em của Nguyễn Tấn Dũng. Nhờ Phạm Minh Chính mà Nguyễn Thanh Nghị được vớt từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng lên ghế Bộ trưởng.
Phạm Minh Chính là đòn đau của Nguyễn Tấn Dũng đánh vào Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là đòn đau nhất. Đòn đau nhất có lẽ là Tô Lâm, nhân vật được Nguyễn Phú Trọng tin tưởng dùng trong thời gian dài hóa ra lại là người của Ba Dũng. Đến khi ông Trọng nằm trên giường bệnh, khả năng điều hành triều chính không còn thì dính đòn phản nghịch của Tô Lâm. Có lẽ đòn này là đau nhất đối với ông Tổng bí thư trước khi mất. Đàn em thân tín được ông Trọng xây dựng bao nhiêu năm bị hạ, Tô Lâm “lên ngôi” và làm hồi sinh thế lực Nguyễn Tấn Dũng.
Không biết Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết có được sự tinh ranh, thủ đoạn hơn người như ông Ba Dũng hay không? Bởi cả 2 còn rất trẻ. Tuy nhiên, với trình độ học vấn nền tảng, với sự va chạm đủ lâu và được sự “nhắc bài” của ông tía nổi tiếng, Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết hoàn toàn có thể kế thừa những những gì mà ông Ba Dũng từng có.
Tô Lâm tuy mạnh nhưng chưa đủ lực xây dựng đế chế gia đình trị, chỉ có thể xây dựng đế chế địa phương trị. Còn với Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết, hoàn toàn đủ khả năng xây dựng đế chế “gia đình trị” trong tương lai.
Trần Chương -Thoibao.de