Thủ tướng “ma lanh” gạ Trump, Trump vụt gậy thuế làm dân Việt choáng váng!

Hôm ngày 21/1, tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos năm 2025 ông Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu rằng “Nếu chơi golf mà mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng bào, tôi sẵn sàng”. Ông Thủ tướng Việt Nam ý muốn chơi với Trump vì quốc gia đại sự.

Câu nói của ông Phạm Minh Chính có vẻ như “khôn khéo” về ngoại giao. Bởi Việt Nam đang thặng dư thương mại với Mỹ đến 104,4 tỷ đô la Mỹ (Xuất 119,5 tỷ và nhập chỉ có 15,1 tỷ) đô la Mỹ. Tuy nhiên, chiến thuật ngoại giao “cây tre” của ông Thủ tướng đã thất bại. 

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Việt Nam với mức thuế 46%. Cao hơn cả mức thuế dành cho Trung Quốc. Một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Việt Nam.

Đáng nói là ông Trump đã nói rằng, “Họ thích tôi và tôi cũng thích họ. Nhưng vấn đề là họ áp 90% thuế lên hàng hóa của chúng ta”. Chính nhờ cách áp thuế rất “ma lanh” như thế nên Việt Nam chỉ mất 15,1 tỷ đô la Mỹ nhập hàng Mỹ trong khi đó Việt Nam moi được từ thị trường Mỹ đến 119,5 tỷ đô la Mỹ.

Hàng hóa Mỹ là hàng cao cấp, hầu hết là không phải cạnh tranh với mặt hàng tương đương của Việt Nam. Với lại kinh tế người dân Việt Nam còn nghèo, họ tiêu thụ hàng Mỹ cũng hạn chế chứ không thể vung vãi chi tiêu. Cho nên không cần đánh thuế hàng Mỹ quá cao thì người dân Việt Nam cũng không thể xài hàng Mỹ nhiều được. Việc đánh thuế mạnh vào hàng Mỹ khiến cho người dân Việt Nam phải phải tốn nhiều tiền hơn để mua hàng Mỹ, trong khi đó số tiền chi thêm ấy lọt vào túi của Đảng.

Có lẽ bao năm nay phía Mỹ biết rất rõ trò ma lanh này của Đảng Cộng Sản nhưng nay họ mới ra tay. Không biết, liệu đây có phải là bài học cho những kẻ ngồi ngôi cao nhưng lại nghĩ ngắn hay không?

Ngoại giao khôn ngoan là hình thức ngoại giao có qua có lại. Việt Nam đã tham gia vào sân chơi toàn cầu từ năm 2006, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới nhưng dường như Đảng Cộng Sản không muốn tham gia với tư cách là thành viên tử tế.

Nếu là lãnh đạo có tầm nhìn thì không phải dùng chính sách thuế ma lanh như Việt Nam để vét đô la từ Mỹ. Chơi như vậy làm sao bền? Muốn bền thì phải xây dựng hạ tầng pháp lý tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước vững mạnh để họ tiến ra nước ngoài tham gia sân chơi toàn cầu. Đấy mới là kế hoạch dài hơi và bền vững. Tuy nhiên, Chính quyền Cộng Sản không làm như vậy, họ chú tâm vào các hình thức lách luật, lợi dụng sự hào phóng của các nước lớn mà trục lợi.

Đáng lý ra, Việt Nam cần phải tự điều chỉnh môi trường kinh doanh trong nước sao cho công bằng đúng với tiêu chuẩn về kinh tế thị trường mà Mỹ và EU đặt ra. Chỉ khi nào Mỹ và EU công nhận thì khi ấy các doanh nghiệp Việt Nam mới có hội để bảo vệ mình khi bị Mỹ hoặc EU gán thuế chống bán phá giá và các loại thuế phi lý khác.

Không biết Việt Nam đã trải ra bao nhiêu đời Tổng bí thư, bao nhiêu đời thủ tướng rồi mà chỉ có thực hiện tiêu chuẩn nền kinh tế thị trường không xong. Có nhận xét cho rằng, Đảng Cộng Sản cố tình không muốn thay đổi chứ không phải họ không có khả năng thay đổi. Họ cố tình giữ cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để duy trì bất công, họ muốn giữ lợi thế cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thân hữu, còn doanh nghiệp chân chính họ không quan tâm.

Lần Mỹ áp thuế 46% kỳ này là đòn rất mạnh, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ choáng váng, và chắc chắn, doanh nghiệp xuất khẩu bị rụng không ít. Nền kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn.

Ra sân chơi toàn cầu, không thể gọi những trò ma lanh kiểu ngoại giao cây tre mà là khôn ngoan được. Đấy là khôn lỏi, không phải khôn ngoan.

Thái Hà -Thoibao.de