Vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm chấp nhận xuống thang điều chỉnh chính sách đối ngoại với Trung Quốc?

Tháng 9/2024, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tuyên bố, “Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng của thế giới văn minh, tiến bộ”. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện sự ưu tiên trong việc phát triển quan hệ đối ngoại với Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào ngày 15/1, ông Tô Lâm nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc trong chính sách đối ngoại, đồng thời thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai chiến lược Việt – Trung.

Công luận đặt câu hỏi, liệu điều này có trái ngược với quan điểm về chính sách đối ngoại ban đầu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, cùng với chủ trương đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới hay không?

Hơn thế nữa, người ta ngạc nhiên không hiểu vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam muốn học tập tư tưởng Tập Cận Bình “nhiều nhất có thể”?

Phải chăng, cho đến bây giờ, Tổng Bí thư Tô Lâm mới “tỉnh đòn” khi nhận ra rằng, Trung Quốc là nhân tố mang tính quyết định trong việc ai sẽ là Tổng Bí thư tại Đại Hội 14? Bài học về sự thất bại của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Tổng Bí thư Trọng, trong Đại hội Đảng 12 vẫn còn nguyên giá trị?

Theo giới phân tích quốc tế, sự thay đổi trong quan điểm chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Tô Lâm, là một quyết định quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó phản ánh sự linh hoạt và thực tế trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong một thế giới đầy biến động.

Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại đa phương, cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế. Việt Nam đang cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa 2 siêu cường.

Trung Quốc là một đối tác thương mại, và là quốc gia đầu tư lớn của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Đồng thời, đây có thể là giải pháp giảm bớt áp lực từ phía Bắc Kinh, để đảm bảo an ninh khu vực, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.

Vẫn theo giới phân tích, đây cũng là kết quả do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nội bộ, trong đó có vai trò của các cá nhân lãnh đạo hàng đầu, và các phe phái trong Đảng. Điều này có thể là kết quả từ sức ép của một bộ phận lãnh đạo, kiên định với đường lối chủ nghĩa xã hội, và ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Đây là một liên minh ý thức hệ, với sự dẫn dắt của phe tướng lĩnh quân đội, nhóm này có ảnh hưởng trong việc định hình chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Được biết, ngay sau cuộc điện đàm ngày 15/1, giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Chủ tịch Tập Cận Bình, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, sự điều chỉnh chính sách của Việt Nam là kết quả của sự nhận thức rõ ràng về lợi ích chung giữa 2 nước. Đồng thời, ca ngợi đây là một dấu hiệu của sự hợp tác, và hiểu biết lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm điều chỉnh chính sách đối ngoại, để tăng cường quan hệ với Trung Quốc, không chỉ là biểu hiện của sự xuống thang trong cuộc cạnh tranh quyền lực. Đây còn có thể là một phần của chiến lược đối ngoại linh hoạt nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của ông Tô Lâm.

Khi phe kiên định với chủ nghĩa xã hội và thân Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn hơn trong Đảng, thì việc phe cải cách và thân phương Tây của ông Tô Lâm, có thể “tạm thời” chấp nhận điều chỉnh này để duy trì sự ổn định nội bộ.

Đây cũng có thể phản ánh sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

 

Trà My – Thoibao.de