Ngày 13/1, tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Tô Lâm tuyên bố:
“Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển.”
Tuy nhiên, lời tuyên bố này không nhắm vào bản thân ông, ông Lương Tam Quang, và các thuộc hạ thân tín của ông.
Trong nửa tháng qua, bẫy đèn đỏ – “kiệt tác” của Bộ Công an, đã làm loạn xã hội. Người dân hoang mang, doanh nghiệp khốn đốn, kinh tế giai đoạn cuối năm gặp trì trệ. Dù rất bất bình, nhưng người dân lại bất lực. Bởi chỉ cần có một tiếng nói đúng sự thật cất lên, thì Lương Tam Quang lập tức xua lính đến đe dọa, thậm chí tống vào tù nếu ngang bướng. Ngay cả báo giới thuộc Ban Tuyên giáo cũng sợ hãi, không dám hé răng nửa lời, về những sự thật đang bày ra trước mắt.
Ngay ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 168, người dân đã xác định, đây là chính sách phá hoại nền kinh tế, để trục lợi cho lực lượng cảnh sát. Nhưng dù mạng xã hội có gào thét, thì vì “sĩ diện Cộng sản”, Tô Lâm quyết không chùn bước. Đáng nói hơn là, toàn Đảng cũng không một ai dám hé răng, vì sợ bị Tô Lâm trả thù. Không khí ngột ngạt bao trùm cả xã hội và trong Đảng.
Như vậy, tuyên bố về việc “lãnh đạo thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay”, nhắm vào tất cả, trừ phe Hưng Yên.
Đây được xem là mệnh lệnh, với Bộ Công an trong tay, ông Tô Lâm có đầy đủ “vũ khí” để ghép tội bất kỳ ai, bị cho là “làm lỡ cơ hội để đất nước phát triển”. Bất kỳ một chính sách nào, của bất kỳ cơ quan nào, nếu bị đánh giá là tiêu cực, cũng có thể bị ghép vào tội danh trên, ngoại trừ xuất phát từ người Hưng Yên.
Nghị định 168 là loại luật thành văn, còn lời tuyên bố của ông Tô Lâm có thể xem như luật bất thành văn. Với quyền lực càng lớn, loại luật bất thành văn được thốt ra từ miệng ông vua, sẽ là vua của các luật. Có thể nói, ở giai đoạn nước rút, ông Tô Lâm đang rất mạnh miệng và rất mạnh tay, cả với 5 triệu đảng viên và 100 triệu người dân.
Sau khi lên chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm vấp phải sự chống đối không ít, từ trong Đảng, từ “Tứ trụ”, Bộ Chính trị, cho đến Trung ương Đảng. Đáng chú ý, ông Lương Cường đang vùng vẫy tạo thế lực, nhằm cân bằng với lực lượng công an, nhưng vẫn không đủ sức để làm ông Tô Lâm chùn bước. Ông vẫn lộng hành, vẫn ra những chính sách thâm độc, vừa phục vụ cho mục đích quảng bá hình ảnh của cá nhân ông, vừa phục vụ cho mục đích chính trị.
Ở tầng dưới, một số uỷ viên Trung ương Đảng, chủ yếu là thuộc nhóm Nghệ An, có ý chống đối. Nhưng xem ra, họ đã bị dòng thác của Tô Lâm và Lương Tam Quang cuốn phăng. Chưa xuất hiện một thế lực nào đủ mạnh, để chống đối công khai và hiệu quả.
Nghị định 168 đang tàn phá xã hội một cách “khủng khiếp”, đến một lúc nào đó, Nghị định này cũng buộc phải vứt bỏ. Nhưng lúc này, ông Tô Lâm chưa chịu buông bỏ. Có lẽ, cần thời gian đủ dài, để thuộc hạ no nê đánh chén, thì họ mới từ bỏ. Và khả năng cao, sẽ có một “con dê tế thần”, để chịu trách nhiệm về Nghị định này. Người ký ban hành Nghị định là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu không lo chạy chọt từ sớm, thì rất có thể, con “dê tế thần” này chính là ông.
Tô Lâm và phần còn lại trong Bộ Chính trị, dường như vẫn đang “thăm dò” lẫn nhau. Rất có thể, sẽ có nhiều trận thư hùng “sinh tử”, trước thềm Đại hội 14.
Hoàng Phúc – Thoibao.de