Vụ việc một cán bộ thuế ở Thanh Hóa ngang nhiên xưng “mày – tao” với người dân ngay tại trụ sở công quyền không chỉ là hành vi thiếu chuẩn mực, mà còn là biểu hiện trịch thượng, coi thường dân, những người đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước, trong đó có chính người cán bộ ấy.
Thái độ đó không phải là “lỡ lời”, không thể gọi là “thiếu kiềm chế”, mà phải gọi đúng tên: lạm quyền và xúc phạm công dân. Trong một xã hội pháp quyền đúng nghĩa, công chức là “đầy tớ của dân”. Nhưng ở đây, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng phổ biến: đầy tớ ngồi lên đầu dân, dùng quyền lực hành chính để hù dọa, đe nẹt và thóa mạ người dân.
Điều đáng buồn hơn là cách xử lý sau đó: kỷ luật bằng hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tiếp tục đi làm lại”. Chúng ta không thể chấp nhận một nền hành chính mà trong đó công chức coi dân như kẻ dưới, có thể chửi bới, mạt sát rồi sau đó chỉ cần “rút kinh nghiệm” là xong. Một cơ quan hành chính nếu dung túng cho hành vi này thì đang bảo kê cho sự thoái hóa đạo đức công vụ.
Việc này không chỉ là chuyện ứng xử cá nhân, mà là thước đo chất lượng bộ máy và lòng tôn trọng người dân của cả hệ thống.
Nếu không xử lý nghiêm, chúng ta sẽ phải chấp nhận một thực tế đáng xấu hổ: người dân đi làm thủ tục hành chính là đi vào nơi công quyền, nhưng phải run như kẻ đi xin không biết hôm nay có bị “cán bộ” mắng chửi không.
LP