Tình trạng thuốc giả, sữa giả tràn lan trên thị trường hiện nay đang là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của người dân.
Mới đây, truyền thông nhà nước đưa tin Công An tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán các loại thuốc giả “thu lợi bất chính 200 tỷ đồng”.
Vụ việc vừa kể xảy ra trong bối cảnh dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ phát hiện rất nhiều loại sữa giả được lưu hành trên thị trường trong nhiều năm qua.
Theo đó, Sữa Hofumil Gold Plus cùng với 600 loại sữa giả khác là sản phẩm của các công ty Dược Quốc Tế Rance Pharma, và Dược Dinh Dưỡng Hacofood Group, được quảng cáo là dành cho người bệnh tiểu đường, bà bầu và trẻ em.
Đáng chú ý, theo báo Dân Trí, Viện Quân Đội Trung Ương 108, một bệnh viện dành cho lãnh đạo cấp cao nhất ở Hà Nội, đã bị tố cáo là kê đơn sữa giả nhãn hiệu Hofumil Gold Plus cho bệnh nhân.
Điều kể trên đã cho thấy, đây không còn là một sự sai sót thông thường, mà là một sự việc mang tính “lợi ích nhóm”, có hệ thống và tổ chức, đã và đang gây hệ lụy lớn cho xã hội.
Đây không còn là một hành vi gian lận thương mại thông thường, mà là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề y tế và an ninh quốc gia. Trong đó, Bộ Y tế, Cơ quan Quản lý Thị trường cho đến ngành Công an không thể chối bỏ trách nhiệm.
Bằng cách nào, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, bị tố là giả, lại được đưa vào hệ thống y tế nhà nước ở cấp cao nhất? Điều đó đã cho thấy, hệ thống kiểm định, kiểm tra chất lượng đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Vụ sữa giả Hofumil mang đặc điểm của những cái “bắt tay ngầm” giữa doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và người có trách nhiệm trong bệnh viện cũng như các cơ sở thương mại.
Trên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến khẳng định, vụ việc này mang đầy đủ đặc điểm của một vụ “đại án”, tương tự như vụ “đại án” Việt Á trước đây.
Tình trạng sữa giả, thuốc giả lưu thông công khai trên thị trường trong một thời gian dài, đáng chú ý đã xảy ra vào thời điểm từ năm 2016–2024, là thời gian mà ông Tô Lâm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công An.
Việc, để sản phẩm sữa giả Hofumil xâm nhập vào Bệnh viện lớn Quân đội Trung ương 108, trong một thời gian dài mà không bị phát hiện, không bị điều tra xử lý. Đã cho thấy, sự buông lỏng, và vô trách nhiệm của Bộ Công An dưới quyền quản lý của Đại tướng Tô Lâm.
Công luận cho rằng, vụ Bệnh viện 108 kê đơn sữa giả Hofumil cho bệnh nhân cần được xem là một “Đại án”, tương tự vụ Việt Á, là điều có cơ sở. Tại sao lại nói như vậy?
Vụ Việt Á – thổi giá kit test trong đại dịch, liên quan nhiều Bộ ngành, trong đó Bộ Y tế và Bộ Khoa học dưới thời ông Tô Lâm đã bị xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, nếu trong vụ Việt Á, vai trò của Bộ Công An được ghi nhận, thì trong vụ sữa giả Hofumil. Công luận có quyền nghi ngờ rằng chính Bộ Công An đã chậm phát hiện, hoặc không kịp thời điều tra, dẫn đến hệ quả nặng nề.
Việc này không chỉ phản ánh sự vi phạm nghiêm trọng trong ngành y tế, mà còn đặt ra trách nhiệm lớn đối với các cơ quan điều tra và lãnh đạo ngành công an. Đặc biệt trong bối cảnh ông Tô Lâm – người từng là Bộ trưởng Bộ Công An – nay đã trở thành Tổng Bí thư.
Nếu vụ án không bị triệt phá, thì rõ ràng đã có sự thiếu quyết liệt hoặc thiếu phối hợp trong điều tra, xử lý tội phạm.
Khi ông Tô Lâm nay đã là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt nam, vụ việc này lại càng cần trở thành một “phép thử” đối với người đứng đầu Đảng trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Nhất là, khi vụ Việt Á đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn không truy tố những nhân vật cấp cao.
Liệu Tổng Bí thư có sự công minh và nghiêm khắc để xử lý triệt để, theo tinh thần không có vùng cấm và không có trường hợp ngoại lệ. Hay sẽ có những vùng trắng, những vùng “đặc quyền, đặc lợi”?
Do đó, “đại án” sữa giả Hofumil được coi là một thách thức đối với ông Tô Lâm, để xem chiến dịch đấu tranh tham nhũng của Tổng Bí thư Tô Lâm có thực chất hay không?
Hay vẫn chỉ là một công cụ để thanh trừng các đối thủ chính trị như từ trước cho đến nay?
Trà My – Thoibao.de