Thiên hạ đồn rằng… ngày 30 tháng 4 năm 1975, hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập đã đi vào sách giáo khoa, phim ảnh, khẩu hiệu, và hàng ngàn bài báo như một biểu tượng “vẻ vang” cho chiến thắng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngồi trên nóc xe là những người lính được tung hô là “anh hùng giải phóng dân tộc”, được phong danh hiệu, gắn huy chương và… đóng khung làm hình nộm trong bảo tàng.
Nhưng sau ánh đèn sân khấu, sau những tràng pháo tay và lễ đài, là một sự thật cay đắng: cuộc đời của họ bạc màu, cô quạnh, bẽ bàng.
Thiên hạ lại đồn rằng… ông Lê Văn Phượng – người trực tiếp điều khiển chiếc xe tăng 390 – lẽ ra phải được sống phần đời còn lại trong sự tri ân và tử tế. Nhưng không. Ông trở thành dân oan đi đòi đất. Một thương binh 3/4, một biểu tượng trong sách giáo khoa, lại bị chính quyền cướp mất mảnh đất mà ông được cấp sau chiến tranh.
Những kẻ từng ra lệnh cho ông “lái xe phá cổng Dinh”, giờ đây phá luôn cái cổng nhà ông, đẩy ông từ người “giải phóng” thành kẻ “ăn vạ” giữa đời.
Thiên hạ tiếp tục đồn rằng… đảng từng ca tụng ông là anh hùng, giờ lại coi ông là gánh nặng. Họ dùng tên tuổi ông để tô hồng lịch sử, nhưng cắt bỏ luôn phần hiện tại.
Như một chiếc áo rách từng che mưa bom được đem triển lãm, nhưng khi người lính lạnh run thì bị lột bỏ không thương tiếc.
Người Việt có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”
Cộng sản thì ăn quả xong đốn luôn cả gốc, bứng cả rễ, rào luôn mảnh vườn rồi treo bảng: “Tài sản cách mạng.”
Họ nhồi sọ nhân dân bằng bức ảnh xe tăng hiên ngang tiến vào Dinh, nhưng không bao giờ để dân thấy người lính đó sau này về quê với tờ giấy thương binh, đôi dép rách và đơn khiếu kiện trên tay.
Thiên hạ đồn rằng…
“Anh hùng thời chiến, dân oan thời bình” – đó chính là cái giá của một niềm tin trao nhầm chế độ.
Lão Thất