Ông Tô Lâm đang ráo riết củng cố thế lực trước Đại hội Đảng 14

 

Ngày 21/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Nhóm lợi ích của ông Tô Lâm gồm những ai?”.

Theo đó, RFA cho biết, ông Tô Lâm kể từ khi nắm ghế Chủ tịch nước, rồi Tổng Bí thư vào tháng 8/2024 đến nay, đã công du nhiều nước và tham gia nhiều sự kiện quan trọng. Tháp tùng cùng ông luôn luôn có một số gương mặt thân quen.

Những cái tên có thể kể đến như Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

RFA dẫn lời giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, từ Úc, nhận định, ông Tô Lâm đã hình thành được cho mình một “nhóm lợi ích” riêng, với các thành viên đại diện cho những cơ quan quyền lực nhất của hệ thống chính trị.

RFA cũng dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi chính trị Việt Nam, cho biết, việc mang theo những nhân vật cấp cao này trong các hoạt động của mình, giúp Tổng Bí thư Tô Lâm phô trương thanh thế:

“Khi ông ấy chọn Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban kiểm tra Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháp tùng, thì họ sẽ thấy ông Tô Lâm đang nắm các cơ quan quyền lực, bất kỳ một sự chống đối nào sẽ nhận hậu quả”.

Còn giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng, phe của ông Tô Lâm đang muốn truyền tải một thông điệp đến các phe nhóm khác trong Đảng, rằng họ có sự ủng hộ và bảo vệ của ngài Tổng Bí thư, do vậy không ai nên thách thức vị trí của họ:

“Khi ông Trọng qua đời thì phe nhóm của ông đã bị phe Hưng Yên của ông Tô Lâm lấn át. Những người này xuất hiện trước công chúng cùng với Lâm, vì họ làm việc với ông hàng ngày, với tư cách là thành viên Bộ Chính trị và quân đội. Sự xuất hiện của họ báo hiệu sự đoàn kết, và truyền tải thông điệp đến các phe phái khác rằng, vì họ có sự ủng hộ của Tổng Bí thư nên vị trí của họ không nên bị thách thức”.

Theo RFA, một điểm chung của những người thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm, sự nghiệp của họ đều đã thăng tiến kể từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.

Lên nắm quyền khi nhiệm kỳ của khóa 13 chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc, ông Tô Lâm phải kế thừa bộ máy do ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng. Dù đã ráo riết cài cắm thân tín của mình vào các vị trí quan trọng, nhưng thời gian là không đủ để vị chính trị gia người Hưng Yên thâu tóm toàn bộ bộ máy.

Với việc Đại hội 14 đang đến gần, ông Tô Lâm đứng trước cơ hội hoàn tất việc xây dựng một nội các với toàn bộ những thân tín của mình.

Một trong những vị trí quan trọng mà ông Tô Lâm chưa thể thay thế là ghế Bộ trưởng Quốc phòng, hiện do tướng Phan Văn Giang nắm giữ. Nếu như ông Tô Lâm sắp xếp được ông Chiến ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì quyền lực của ông Tô Lâm sẽ trở nên gần như tuyệt đối.

RFA cho hay, với vai trò trưởng tiểu ban nhân sự của Đại hội 14, ông Tô Lâm có thể tác động đến danh sách các ứng viên vào Trung ương khóa mới, những ứng viên do ông chọn, sẽ tiếp tục làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào các vị trí quan trọng khác của bộ máy như Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo giáo sư Carlyle Thayer:

“Sẽ có sự mặc cả quyết liệt để đảm bảo rằng tất cả các khu vực và nhóm lợi ích đều được đại diện. Sẽ có một số cuộc bỏ phiếu kín từ bây giờ đến Đại hội toàn quốc lần thứ 14 để xác định ai sẽ tiếp tục bỏ phiếu và ai sẽ bị loại”.

Quyết định cuối cùng về việc ai sẽ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới, sẽ nằm trong tay 1.500 đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Minh Vũ – thoibao.de