“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” có là công cuộc “Đổi mới” lần 2 về Chính trị?

Chiều ngày 21/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm tân Chủ tịch nước. Ngay hôm sau – 22/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chính thức bàn giao công tác của người đứng đầu Nhà nước, cho tân Chủ tịch nước Lương Cường.

Việc ông Lương Cường trở thành tân Chủ tịch nước, thay cho ông Tô Lâm, với mục đích được cho là để ông Tô Lâm có thể toàn tâm, toàn ý, trong việc lãnh đạo và tập trung cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng 14, vào đầu năm 2026.

Theo giới phân tích, đây là một động thái ổn định hệ thống chính trị Việt Nam, sau thời gian dài hỗn loạn. Đồng thời, người ta có thể hy vọng, chính trường sẽ ổn định trở lại, để tập trung toàn lực cho việc phát triển kinh tế.

Trước khi Quốc hội tiến hành thủ tục bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Ông Tô Lâm đã nhấn mạnh, thể chế hiện nay là điểm nghẽn lớn nhất, sinh ra những tồn tại và hạn chế kéo dài, cản trở phát triển, gây lãng phí, và làm lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Khái niệm “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một khẩu hiệu mới, mang dấu ấn và sự quyết tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông không ngừng giới thiệu và quảng bá khái niệm này, trong các cuộc họp lãnh đạo Đảng, cũng như trong các chuyến công du nước ngoài.

Công luận hy vọng, khái niệm “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, sẽ là một công cuộc “Đổi mới” lần 2 về thể chế chính trị. Mà trước đó, công cuộc đổi mới về kinh tế đã được khởi xướng vào năm 1986, đưa nền kinh tế Việt Nam “rũ bỏ” mô hình tập trung theo kiểu Xô Viết, để đi theo nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Ông Tô Lâm đã và đang bằng mọi cách, nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong Đảng, để có thể thúc đẩy cải cách kinh tế, làm tiền đề cho việc cải tổ chính trị, và đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, như ông đã tuyên bố.

Nhưng sự thay đổi chắc chắn không phải là vào lúc này, vì thực tế cho thấy, để nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ Chủ thuyết Cộng sản và con đường Chủ nghĩa Xã hội, là điều cực kỳ nan giải. Vì giới lãnh đạo Việt Nam không sẵn sàng từ bỏ quyền lực và quyền lợi của mình.

Sự phát triển của các quốc gia ở khu vực Đông Á, như Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, hay Singapore… đều trải qua một thời gian dài với thể chế chính trị độc tài chuyên chế. Nhưng, với sự cải cách và những thành tựu kinh tế vượt bậc, họ mới có đủ điều kiện để chuyển đổi sang thể chế chính trị tự do, dân chủ. Đến nay, những nước kể trên đã trở thành các quốc gia phát triển, dân chúng có cuộc sống đầy đủ, ấm no.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận công cuộc đổi mới kinh tế năm 1986, được thông qua tại Đại hội 6, có thể thấy, những vấn đề liên quan đến cải cách thể chế, nếu có, cũng phải chờ đến Đại hội Đảng 14 mới có thể tiến hành, cũng là một vấn đề quan trọng.

Đây được cho là một trong những lý do, khiến ông Tô Lâm rời khỏi vị trí Chủ tịch nước, để tập trung toàn lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho bước ngoặt mang tính bản lề.

Vấn đề bây giờ là, Đề cương hay Chính sách phát triển trong kỷ nguyên mới, bắt buộc phải thuyết phục được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, cũng như người dân, không phải là điều dễ dàng. Chắc chắn, Tổng Bí thư sẽ vấp phải sự phản ứng không nhỏ trong nội bộ Đảng.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm phải thâu tóm bằng được quyền lực “tuyệt đối”, để có thể vượt qua các rào cản kể trên, là điều cần thiết. Trước mắt, ông phải chia sẻ quyền lực với phe quân đội, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về lâu dài.

 

Trà My – Thoibao.de