Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận và nhấn mạnh – thể chế là điểm nghẽn

Ngày 21/10, RFA Tiếng Việt cho hay: “Ông Tô Lâm: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!”.

Theo RFA, phát biểu trước Quốc hội sáng 21/10, Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, liên quan đến thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

RFA dẫn bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Tô Lâm nói:

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.”

Ông Tô Lâm cũng chỉ ra, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn bất cập, cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

RFA cho biết, ông Tô Lâm khẳng định, những việc này cần nhanh chóng khắc phục, không để cản trở, hay “lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Ông cũng cho rằng, “các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, để tác động, hướng lái, thậm chí chống phá, xác định đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để chuyển hóa chính trị của Việt Nam…” 

Vẫn theo RFA, ông Tô Lâm khẳng định, các loại tội phạm, các nhóm lợi ích, cũng tìm mọi cách tác động nhằm trục lợi, và “nếu không thật sự sáng suốt, bản lĩnh, vì sự nghiệp chung, thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với phát triển của đất nước”. 

Từ những vấn đề nêu trên, RFA cũng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Quốc hội vào tháng 11/2022, trong đó nhấn mạnh 3 vấn đề:

Thứ nhất, Quốc hội cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định, để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.

Ông Tô Lâm nói rằng, tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

RFA trích bài đăng tải toàn văn trên Thông Tấn Xã Việt Nam, đối với bài phát biểu của ông Tô Lâm, cho thấy, ông đề nghị, cần xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam, và “vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”.

Thứ hai, RFA tiếp tục cho biết, ông Tô Lâm cũng đề nghị, cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, phải đổi mới quy trình quyết định về ngân sách Nhà nước, bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.

Cuối cùng, ông Tô Lâm nêu ra ý kiến, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.

 

Minh Vũ – thoibao.de